Văn học dân gian hay văn học truyền miệng là văn học được nói hoặc hát, trái ngược với văn học viết, mặc dù nhiều tác phẩm văn học truyền miệng đã được ghi lại bằng chữ viết.
1. Văn học dân gian là gì?
Văn học dân gian hay văn học truyền miệng là văn học được nói hoặc hát, trái ngược với văn học viết, mặc dù nhiều tác phẩm văn học truyền miệng đã được ghi lại bằng chữ viết. Văn học dân gian không có một định nghĩa tiêu chuẩn nào, vì các nhà nghiên cứu thường có những mô tả khác nhau cho loại hình văn học này. Một quan niệm phổ quát cho rằng văn học dân gian là văn học được đặc trưng bởi sự truyền miệng và không có bất kỳ hình thức cố định nào. Nó bao gồm những truyện kể, truyền thuyết và sử thi được lưu truyền qua nhiều thế hệ dưới dạng văn nói.
2. Tổng quan về văn học dân gian
Các xã hội trước khi biết chữ, theo định nghĩa, thì không có văn học viết, nhưng có thể sở hữu những truyền thống truyền miệng — chẳng hạn như sử thi dân gian, truyện kể dân gian (như truyện cổ tích và ngụ ngôn), kịch dân gian, tục ngữ và các bài hát dân gian — tạo thành một nền văn học truyền miệng. Ngay cả khi chúng được các nhà nghiên cứu thu thập và xuất bản thì vẫn được gọi là “văn học truyền miệng”. Ngày nay, các thể loại khác nhau của văn học dân gian đặt ra thách thức phân loại đối với các nhà nghiên cứu vì tính linh động của văn hóa trong thời đại kỹ thuật số.
Các xã hội có chữ viết vẫn có thể duy trì một truyền thống truyền miệng – đặc biệt là ở trong gia đình (như truyện kể trước khi đi ngủ). Một ví dụ khác về văn học dân gian thời hiện đại là các truyền thuyết đô thị – những câu chuyện có thể lan truyền đi nhanh chóng trong bối cảnh phổ biến của internet và các phương tiện truyền thông.
Văn học dân gian tạo nên một phần cơ bản của văn hóa, nhưng có nhiều điểm khác với cách thức văn học có chữ viết được phổ biến. Từ điển Bách khoa toàn thư về Văn học Châu Phi, do Simon Gikandi (Routledge, 2003) biên tập, đã đưa ra nhận định sau: “Văn học truyền miệng có nghĩa là điều gì đó được truyền lại qua lời nói, và bởi vì nó dựa trên ngôn ngữ nói nên nó chỉ tồn tại trong một cộng đồng sống. Khi đời sống cộng đồng dần mất đi, tính truyền miệng cũng mất dần chức năng và chết. Tính truyền miệng cần mọi người ở trong một bối cảnh xã hội sống động: nó cần chính cuộc sống.”
3. Một số nét đặc trưng của văn học dân gian
– Tính nguyên hợp của văn học dân gian
Trong các thời kỳ xã hội về sau thì tính nguyên hợp của văn học dân gian vẫn được phát huy về mặt nội dung để có thể phản ánh thực trạng của xã hội hiện tại. Bởi vì, đại đa số bộ phận người dân đều là tác giả của văn học dân gian.
Văn học dân gian thường có 3 dạng tồn tại: Tồn tại trong chính trí nhớ của tác giả dân gian, tồn tại bằng văn tự, tồn tại thông qua diễn xướng.
Sự tồn tại thông qua diễn xướng là một trong những dạng tồn tại đích thực của nền văn học dân gian. Tuy nhiên, vấn đề là cũng không thể phủ nhận hoàn toàn 2 dạng tồn tại còn lại.
– Tính tập thể trong văn học dân gia
Tính tập thể trong văn học dân gian thường được nhiều bộ phận người dân biết đến qua quá trình sử dụng tác phẩm. Vấn đề quan trọng nhất đó là tác phẩm đó có được mọi người biểu diễn, thưởng thức hay không và có đạt được những thành tựu trong cộng đồng người dân hay không.
– Văn học dân gian – Một loại hình nghệ thuật gắn liền với quần chúng
Những tác phẩm văn học, những bài hát ru gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của gia đình và đại bộ phận người dân. Việc đưa con vào trong giấc ngủ cho đến ngày nay cũng không thể thiểu.
Tương tự đó là những bài dân ca, những nghi lễ, các truyền thuyết gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội,… Từ những đặc tính trên thì văn học dân gian được biết đến là một loại hình nghệ thuật đa chức năng và nó cũng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày.
4. Vẻ đẹp của chất liệu văn hóa, văn học dân gian trong đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
– Điểm đầu tiên phải kể đến trong việc vận dụng sáng tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian trong đoạn trích Đất Nước là vận dụng ca dao, tục ngữ một cách nhuần nhị.
Mở đầu đoạn trích, tác giả đi lí giải về cội nguồn sinh ra đất nước. đất nước với Nguyễn Khoa Điềm không được tạo nên bởi những gì trừu tượng, xa xôi mà được hình thành, tạo nên bởi những gì gần gũi nhất. Đó là tình nghĩa thuỷ chung son sắt của cha mẹ:
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Câu thơ được lấy ý từ câu ca dao:
Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Ý thơ nhằm ca ngợi lối sống giàu tình nghĩa và tấm lòng thủy chung, son sắt của người Việt Nam.
Đất nước ta gắn với nền văn minh lúa nước từ xa xưa . Bởi vậy, giải thích nguồn cội của đất nước nhà thơ không thể không nhắc đến hình ảnh cây lúa, hạt gạo:
“Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, dần, sàng”.
Hình ảnh thơ gợi cuộc sống lam lũ, tảo tần. Để làm ra hạt gạo trắng thơm, người nông dân phải đổ biết bao mồ hôi công sức một nắng hai sương. Phảibán mặt cho đất, bán lưng cho giời, phải trải qua nhiều công đoạn xay, giã, dần, sàng mới có được thành quả. Câu thơ khiến ta liên tưởng đến bài ca dao:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.”
Khi định nghĩa về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa người đọc đến với hình ảnh của một đất nước không hề xa lạ. Nó chính là nơi nảy nở của tình yêu lứa đôi khi mỗi người đến tuổi trưởng thành:
“Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
Ý thơ được lấy từ bài ca dao quen thuộc nói:
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai…”
Tình yêu đi liền với nó là nỗi nhớ. Nỗi nhớ chính là thước đo của tình yêu . Khi yêu nhau, gần nhau người ta cũng nhớ, xa nhau thì càng thấy nhớ thương da diết, cồn cào, cháy bỏng. Hình ảnh thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng sáng tạo bài ca dao Khăn thương nhớ ai.. để đem đến cho câu thơ một cảm nhận mới mẻ về nỗi nhớ trong tình yêu.
Đất Nước trong định nghĩa của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ gắn với không gian nhỏ bé gần gũi là nơi anh đến trường, là bến nước nơi em tắm . Mà hình ảnh đất nước còn gắn với không gian rộng lớn mênh mông của rừng vàng, biển bạc:
“Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
“Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Câu thơ được nhà thơ lấy cảm hứng trọn vẹn từ câu hò Bình- Trị- Thiên quen thuộc:
“Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc
Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi”.
Nguyễn Khoa Điềm được sinh ra và trưởng thành trên vùng đất giàu giá trị văn hóa, thơ Nguyễn Khoa Điềm thấm đẫm hồn Huế, chính vì thấm nhuần nền văn hóa dân gian nơi chôn nhau cắt rốn nên khi định nghĩa về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nghĩ ngay đến câu ca dao bình dị của quê hương, xứ sở mình. Thật tự hào thay, quê hương mình lúc nào cũng trù phú, giàu đẹp “ rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” (Hồ Chí Minh)
Lịch sử nước ta là lịch sử của các vua hùng dựng và giữ nước . Từ xưa đến nay, mỗi người dân đất Việt luôn ý thức sâu sắc về nguồn cội của mình. Vì vậy, dù có đi đâu về đâu cũng không quên nhớ ngày giỗ tổ Hùng Vương:
“Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.
Cội nguồn dân tộc, gốc gác tổ tiên là điều ta không bao giờ có thể quên. Vì vậy, Nguyễn Khoa Điềm nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay của dân mình. Ca dao xưa cũng từng nhắc nhở ta:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.
Từ nền văn học dân gian, nhà thơ đã khám phá ra biết bao vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người Việt ta từ xa xưa. Đó là những con người yêu say đắm, thủy chung:
“Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi “
Ý thơ được lấy từ câu ca dao quen thuộc:
“Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”.
Từ ca dao, nhà thơ cũng khám phá ra vẻ đẹp của những con người biết quý trọng lối sống tình nghĩa, biết nâng niu, trân trọng những gì có được từ sự khó nhọc, gian nan:
“Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”
Ca dao xưa cũng nói về những con người như thế:
“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”.
Qua ca dao, Nguyễn Khoa Điềm cũng phát hiện ra phẩm chất bền bỉ kiên cường, quyết liệt trong chiến đấu, trong công cuộc dựng và giữ nước của cha ông ta:
“Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
Như vậy có thể thấy, Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng một cách sáng tạo ca dao, tục ngữ tạo nên những vần thơ thơ mượt mà đằm thắm, trữ tình, thiết tha.
– Điểm thứ hai trong việc vận dụng sáng tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian trong đoạn trích Đất Nước là đưa truyền thuyết, truyện cổ tích vào ý thơ một cách tự nhiên.
Nguyễn Khoa Điềm không dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ, cũng không dùng cách nói trang trọng để giải thích về nguồn cội của đất nước, mà tác giả đã chọn một cách nói dung dị nhưng thấm thía.
“Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể”
Đất nước có từ “ngày xửa ngày xưa”, tức là đất nước đã có từ lâu lắm rồi. Từ trong những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết mẹ thường hay kể cho ta bên cánh võng ầu ơ. Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” cũng gợi ta liên tưởng đến những câu mở đầu thường thấy trong các câu truyện cổ dân gian mang âm hưởng của những câu chuyện cổ tích, đưa ta về một thuở rất xa xưa.
Đất nước ta lớn lên cùng truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc Câu thơ “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” gợi ta nghĩ đến truyền thuyết Thánh Gióng . Hình ảnh cậu bé vươn vai thành tráng sĩ nhổ tre đánh đuổi giặc n ra khỏi bờ cõi đã thể hiện tinh thần yêu nước kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc hơn bốn ngàn năm lịch sử của cha ông ta.
Đất nước còn là nơi phát sinh và phát triển của cộng đồng người Việt qua bao thế hệ. Từ thuở sơ khai, với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, “Lạc Long Quân và Âu Cơ” đã “ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”:
“Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và u Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”.
Nguyễn Khoa Điềm đã thật sáng tạo trong ý thơ. Chỉ bằng một vài hình ảnh đã gợi ra những truyền thuyết xa xưa về nguồn cội dân mình. Dân tộc ta là con rồng, cháu tiên cùng được sinh ra từ bọc trăm trứng nở ra trăm con của cha Lạc Long Quân và mẹ u Cơ.
Đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm thật gần gũi, quen thuộc biết bao. Nhà thơ vận dụng rộng rãi nhiều chất liệu văn học dân gian từ các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của nhân dân ta để cảm nhận về đất nước. Cách nói này vừa đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính trí tuệ mới mẻ.
– Điểm thứ ba trong việc vận dụng sáng tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian trong đoạn trích Đất Nước là sử dụng những yếu tố của phong tục tập quán người Việt Nam để cảm nhận về đất nước.
Đất nước với Nguyễn Khoa Điềm không chỉ gắn với những câu tục ngữ, ca dao, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết mà nó còn gắn với bề dày truyền thống văn hóa với những phong tục tập quán có từ ngàn đời xưa của cha ông ta:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”.
Hình ảnh miếng trầu gợi liên tưởng tới sự tích trầu cau, đến phong tục ăn trầu của người Việt. Nét đẹp văn hóa ấy cho đến ngày nay vẫn được bảo tồn, lưu giữ. Bởi từ xưa đối với người Việt ta miếng trầu là đầu câu chuyện, miếng trầu nên dâu nhà người. Đất nước thật lớn lao kì vĩ lại được bắt đầu từ những điều nhỏ bé bình dị biết bao!
Không chỉ có tục lệ ăn trầu, mà tục bới tóc sau đầu cũng là một nét đẹp văn hóa được nhà thơ gợi nhắc qua câu thơ:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”
Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm gợi ta nhớ đến lời ca dao:
“Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài bối rối lòng anh.”
Bới tóc sau đầu là là một thói quen đã trở thành tập tục từ ngàn đời xưa của dân ta. Hình ảnh người mẹ có bới tóc sau đầu gợi vẻ đẹp hồn hậu, giản dị, dịu dàng, nữ tính. Đây là nét đẹp văn hóa có sức sống lâu bền. Dù trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc nhưng nét đẹp ấy vẫn được giữ gìn.
Theo tiến trình phát triển của đất nước, dân tộc ta tiến lên nền văn minh lúa nước gắn với nền sản xuất nông nghiệp. Người Việt ta từ xưa đã biết xây dựng nhà cửa để che mưa, trú nắng:
“Cái kèo, cái cột thành tên”.
Cái kèo, cái cột là những vật dụng quen thuộc khi dựng nhà của cha ông ta. Những vật dụng ấy đã được lấy để đặt tên cho con cái. Những cách đặt tên không cầu kì, hoa mĩ thể hiện được nếp sống hồn nhiên, giản dị của người xưa.
Hình ảnh miếng trầu giản dị hiện lên trên cái miệng móm mém nhai trầu của bà, mái tóc bới sau đầu của mẹ, cách gọi tên “cái kèo, cái cột” dân dã. Những điều tưởng chừng như bình thường ấy đã trở thành nếp sống, nét đẹp văn hóa, thuần phong mĩ tục đậm đà bản sắc Việt Nam.
Qua việc vận dụng đậm đặc, sáng tạo chất liệu văn hoá văn học dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã làm nổi bật trước mắt người đọc hình ảnh của một đất nước vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hoá lịch sử, vừa bình dị thân quen với cuộc sống quanh ta. Chất dân gian thấm sâu vào tư duy nghệ thuật, tư tưởng cảm xúc của nhà thơ trong Đất Nước tạo nên một dấu ấn độc đáo khó phai trong lòng mỗi bạn đọc yêu văn!
Nhớ để nguồn bài viết: Chất liệu văn học dân gian là gì? của website Trường THCS – THPT Âu Lạc